HOẠT ĐỘNG KHUYẾN MẠI

NHỮNG QUY ĐỊNH VỀ HOẠT ĐỘNG KHUYẾN MẠI VÀ CÁCH HẠCH TOÁN KẾ TOÁN

-----------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------

Đà Nẵng, ngày 02/01/2024

 

I. CÁC QUY ĐỊNH TẠI LUẬT THƯƠNG MẠI VỀ HOẠT ĐỘNG KHUYẾN MẠI

 

1. Định nghĩa khuyến mại:

 

Tại khoản 1 Điều 88 Luật Thương mại 2005:

“Khuyến mại là hoạt động xúc tiến thương mại của thương nhân nhằm xúc tiến việc mua bán hàng hóa, sản phẩm, cung ứng dịch vụ bằng cách dành cho khách hàng những lợi ích nhất định.”

 

2. Các hình thức khuyến mại:

 

Tại Mục 2, Chương II, Nghị định số 81/2018/NĐ-CP quy định các hình thức khuyến mại sau: 

Điều 8. Đưa hàng mẫu, cung ứng dịch vụ mẫu để khách hàng dùng thử không phải trả tiền

Điều 9. Tặng hàng hóa, cung ứng dịch vụ không thu tiền

Điều 10. Bán hàng, cung ứng dịch vụ với giá thấp hơn giá bán hàng, cung ứng dịch vụ trước đó, được áp dụng trong thời gian khuyến mại đã thông báo (khuyến mại bằng hình thức giảm giá)

Điều 11. Bán hàng, cung ứng dịch vụ có kèm theo phiếu mua hàng, phiếu sử dụng dịch vụ

Điều 12. Bán hàng, cung ứng dịch vụ có kèm theo phiếu dự thi cho khách hàng để chọn người trao thưởng theo thể lệ và giải thưởng đã công bố (hoặc các hình thức tổ chức thi và trao thưởng khác tương đương)

Điều 13. Bán hàng, cung ứng dịch vụ kèm theo việc tham dự các chương trình mang tính may rủi mà việc tham gia chương trình gắn liền với việc mua hàng hóa, dịch vụ và việc trúng thưởng dựa trên sự may mắn của người tham gia theo thể lệ và giải thưởng đã công bố (chương trình khuyến mại mang tính may rủi)

Điều 14. Tổ chức chương trình khách hàng thường xuyên, theo đó việc tặng thưởng cho khách hàng căn cứ trên số lượng hoặc trị giá mua hàng hóa, dịch vụ mà khách hàng thực hiện được thể hiện dưới hình thức thẻ khách hàng, phiếu ghi nhận sự mua hàng hóa, dịch vụ hoặc các hình thức khác

Điều 15. Khuyến mại hàng hóa, dịch vụ mà quá trình thực hiện có sử dụng internet, phương tiện, thiết bị điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin

 

3. Hạn mức tối đa về giá trị hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại:

 

Theo Điều 6 Nghị định 81/2018/NĐ-CP:

Giá trị của hàng hóa, sản phẩm, cung ứng dịch vụ khuyến mại không được vượt quá 50% giá của hàng hóa, sản phẩm, dịch vụ được khuyến mại.

Đồng thời, tổng giá trị của hàng hóa, sản phẩm, cung ứng dịch vụ dùng để khuyến mại trong một chương trình khuyến mại không được vượt quá 50% tổng giá trị của hàng hóa, sản phẩm, dịch vụ được khuyến mại.

Riêng các trường hợp doanh nghiệp tổ chức chương trình khuyến mại tập trung và các hoạt động khuyến mại trong khuôn khổ các hoạt động xúc tiến thương mại do Thủ tướng Chính phủ quyết định và phê chuẩn thì giá trị của hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại được áp dụng hạn mức tối đa là 100%.

 

4. Quy định về thông báo, đăng ký, công bố, báo cáo kết quả, chấm dứt thực hiện khuyến mại:

 

Căn cứ Điều 17 và Điều 19 Mục 3 Nghị định Số: 81/2018/NĐ-CP:

 

Về thông báo:

“Các trường hợp không phải thực hiện thủ tục hành chính thông báo thực hiện khuyến mại khi khuyến mại theo các hình thức quy định tại khoản 8 Điều 92 Luật thương mại và các Điều 8, Điều 9, Điều 10, Điều 11, Điều 12, Điều 14 Nghị định này:

a) Thương nhân thực hiện các chương trình khuyến mại quy định tại khoản 1 Điều này có tổng giá trị giải thưởng, quà tặng dưới 100 triệu đồng;

b) Thương nhân chỉ thực hiện bán hàng và khuyến mại thông qua sàn giao dịch thương mại điện tử, website khuyến mại trực tuyến.”

 

Về đăng ký:

Thương nhân thực hiện thủ tục hành chính đăng ký hoạt động khuyến mại  phải được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền xác nhận trước khi thực hiện chương trình khuyến mại theo hình thức quy định tại Điều 13 Nghị định này và các hình thức khác theo quy định tại khoản 9 Điều 92 Luật thương mại.

 

II. QUY ĐỊNH VỀ THUẾ VÀ HẠCH TOÁN KẾ TOÁN ĐỐI VỚI HOẠT ĐỘNG KHUYẾN MẠI

 

TRƯỜNG HỢP 1: ĐỐI VỚI HHDV DÙNG KHUYẾN MẠI ĐÚNG THEO QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT VỀ THƯƠNG MẠI:

 

1. Về thuế GTGT:

 

Theo khoản 7 Điều 3 Thông tư 26/2015/TT-BTC:

“5. Đối với sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại theo quy định của pháp luật về thương mại, giá tính thuế được xác định bằng không (0); trường hợp hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại nhưng không thực hiện theo quy định của pháp luật về thương mại thì phải kê khai, tính nộp thuế như hàng hóa, dịch vụ dùng để tiêu dùng nội bộ, biếu, tặng, cho.”

 

=> Đối với chương trình khuyến mại tổ chức đúng theo quy định của pháp luật về thương mại, hàng hóa dịch vụ khuyến mại không phải nộp thuế GTGT

 

2. Về doanh thu:

 

a) Khuyến mại không kèm điều kiện mua hàng:

 

Điều 91, Khoản 3, Điểm g, Thông tư 200, quy định:

“g) Đối với sản phẩm, hàng hóa dùng để khuyến mại, quảng cáo

- Đối với hàng hóa mua vào hoặc sản phẩm do DN sản xuất ra dùng để khuyến mại, quảng cáo:

+ Trường hợp xuất sản phẩm, hàng hóa để khuyến mại, quảng cáo không thu tiền, không kèm theo các điều kiện khác như phải mua sản phẩm, hàng hóa, ghi:

Nợ TK 641- Chi phí bán hàng (chi phí SX sản phẩm, giá vốn hàng hoá)/ Có các TK 155, 156.”

 

=> Như vậy, đối với hàng hóa dịch vụ dùng để khuyến mại, quảng cáo, cho biếu tặng không thu tiền, không kèm điều kiện mua hàng thì kế toán không ghi nhận doanh thu mà  toàn bộ chi phí sản xuất, giá vốn hàng hóa được hạch toán vào chi phí bán hàng.

 

b) Khuyến mại kèm điều kiện mua hàng:

 

Điều 79, Khoản 1, Điểm 1.6, Mục 1.6.3, Thông tư 200 quy định:

 “1.6.3. Trường hợp xuất hàng hóa để khuyến mại, quảng cáo nhưng khách hàng chỉ được nhận hàng khuyến mại, quảng cáo kèm theo các điều kiện khác như phải mua sản phẩm, hàng hóa (ví dụ như mua 2 sản phẩm được tặng 1 sản phẩm,….) thì kế toán phải phân bổ số tiền thu được để tính doanh thu cho cả hàng khuyến mại, giá trị hàng khuyến mại được tính vào giá vốn hàng bán (GVHB) (trường hợp này bản chất giao dịch là giảm giá hàng bán).”

 

Ví dụ, chủ đầu tư dự án Hateco - Hoàng Mai tặng ngay xe máy Wave RSX hoặc xe Vision, trị giá tới 30.000.000đ cho giao dịch căn hộ thành công (căn hộ từ 75 m2). Khi đó, giá gốc của xe máy không được ghi nhận vào chi phí bán hàng (TK 641) mà ghi nhận vào giá vốn (TK 632) vì bản chất giao dịch này là giảm giá hàng bán. Còn số tiền thu được từ bán căn hộ, phải phân bổ để tính doanh thu cho cả xe máy khuyến mại. (https://www.hoiketoanhcm.org.vn/vn/trao-doi/ghi-nhan-doanh-thu-hang-khuyen-mai-theo-thong-tu-so-2002014ttbtc//)

 

3. Về chi phí giá trị hàng khuyến mại khi tính thuế TNDN:

 

Theo Điều 6 Thông tư 78/2014/TT-BTC (sửa đổi Thông tư 96/2015/TT-BTC) quy định các khoản chi được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp nếu đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:

“- Khoản chi thực tế phát sinh liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

  - Khoản chi có đủ hoá đơn, chứng từ hợp pháp theo quy định của pháp luật.

  - Khoản chi nếu có hoá đơn mua hàng hoá, dịch vụ từng lần có giá trị từ 20 triệu đồng trở lên (giá đã bao gồm thuế GTGT) khi thanh toán phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt.”

 

=> Giá trị hàng hóa, dịch vụ mua vào để thực hiện khuyến mại đáp ứng đủ các điều kiện trên thì được tính là chi phí được trừ khi tính thuế TNDN.

 

4. Về chi phí thuế GTGT đầu ra doanh nghiệp nộp thay cho bên nhận khuyến mại:

 

Tại Công văn số 447/TCT-CS ngày 16/2/2023, Tổng cục Thuế hướng dẫn:

“Căn cứ các quy định nêu trên thì trường hợp Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm bưu điện có các hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại, quảng cáo, biếu, tặng, tiêu dùng nội bộ thì thuế giá trị gia tăng nộp theo phương pháp khấu trừ không được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp.”

 

=> Không được ghi nhận vào chi phí được trừ khi tính thuế TNDN

 

5. Về thuế TNCN:

 

Theo Công văn 3929/TCT-TNCN ngày 23/09/2015 của Tổng cục thuế về việc thuế thu nhập cá nhân đối với thu nhập từ khuyến mại, cụ thuế như sau:

Trường hợp Công ty thực hiện chương trình khuyến mại theo quy định tại khoản 5, khoản 6 Điều 92 của Luật Thương mại thì khoản tiền/hiện vật cá nhân nhận được từ hoạt động trúng thưởng vượt trên 10 triệu đồng thuộc diện chịu thuế thu nhập cá nhân từ trúng thưởng.

 

Công văn số 3870/TCT-DNNCN :

“Trường hợp công ty nộp thay thuế TNCN cho cá nhân khi chi trả các khoản quà tặng khuyến mại, chiết khấu thương mại.,… cho cá nhân thì Công ty không được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN đối với khoản thuế nộp thay cho cá nhân.”

 

6. Về xuất hóa đơn:

 

Điều 4 Nghị định 123/2020/NĐ-CP:

“1. Khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, người bán phải lập hóa đơn để giao cho người mua (bao gồm cả các trường hợp hàng hoá, dịch vụ dùng để khuyến mại, quảng cáo, hàng mẫu; hàng hoá, dịch vụ dùng để cho, biếu, tặng, trao đổi, trả thay lương cho người lao động và tiêu dùng nội bộ (trừ hàng hoá luân chuyển nội bộ để tiếp tục quá trình sản xuất); xuất hàng hoá dưới các hình thức cho vay, cho mượn hoặc hoàn trả hàng hoá) và phải ghi đầy đủ nội dung theo quy định tại Điều 10 Nghị định này, trường hợp sử dụng hóa đơn điện tử thì phải theo định dạng chuẩn dữ liệu của cơ quan thuế theo quy định tại Điều 12 Nghị định này.”

 

=> Khi xuất Hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại, quảng cáo thì phải xuất hóa đơn.

 

7. Về hạch toán:

 

ĐỐI VỚI BÊN XUẤT HÀNG KHUYẾN MẠI:

 

a). Hình thức nhận hàng khuyến mại không kèm các điều kiện, kế toán hạch toán giá trị hàng vào chi phí bán hàng, ghi:

Nợ TK 641, 6421 - Chi phí bán hàng

Có TK 155, 156

 

b). Hình thức nhận hàng khuyến mại kèm điều kiện

Tại khoản 1.6.3 Điều 79 Thông tư số 200/2014/TT-BTC hướng dẫn đối với trường hợp doanh nghiệp xuất hàng hóa để khuyến mãi, quảng cáo nhưng khách hàng chỉ được nhận hàng khuyến mãi, quảng cáo kèm theo các Điều kiện khác như phải mua sản phẩm, hàng hóa (ví dụ mua 02 sản phẩm được tặng 01 sản phẩm) thì bản chất là giảm giá hàng bán nên doanh nghiệp phải phân bổ số tiền thu được cho cả 03 sản phẩm (bao gồm cả hàng được khuyến mãi). 

 

- Kế toán hạch toán doanh thu của hàng khuyến mại trên cơ sở phân bổ số tiền thu được cho cả sản phẩm, hàng hóa được bán và hàng hóa khuyến mại, quảng cáo: 

Nợ các TK 111, 112, 131…

Có TK 511 - Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ

Có TK 3331 - Thuế GTGT phải nộp

 

- Khi xuất hàng hóa khuyến mại, kế toán hạch toán giá trị hàng khuyến mại vào giá vốn hàng bán:

Nợ TK 632 - Giá vốn hàng bán (giá thành sản xuất)

Có TK 155, 156, 157

 

ĐỐI VỚI BÊN NHẬN HÀNG KHUYẾN MẠI:

 

a). Khi nhận được hàng khuyến mại tặng vô điều kiện, ghi:

 

Nợ các TK 152, 153, 156, 211,… (theo giá hợp lý)

Có TK 711 – Thu nhập khác

 

b). Khi nhận được hàng khuyến mại tặng có điều kiện:

 

Công văn số 5357/TCT-CS :

Trường hợp cả hàng hóa mua và hàng hóa được khuyến mãi là giống hệt nhau, ví dụ mua 02 sản phẩm được tặng 01 sản phẩm thì đơn giá của 01 đơn vị hàng hóa (kể cả hàng được khuyến mãi) được xác định là tổng số tiền phải trả hoặc đã trả để mua hàng chia cho tổng số lượng hàng hóa được nhận về (03 sản phẩm).

Trường hợp hàng hóa được khuyến mãi khác với hàng hóa mà doanh nghiệp mua về thì căn cứ vào giá trị niêm yết của hàng khuyến mãi mà bên bán hàng công bố cho khách hàng hoặc giá trị thị trường của hàng hóa giống hệt để xác định giá trị của hàng khuyến mãi.”

 

Nợ các TK 152, 153, 156, 211,… giá trị hàng mua- giá trị hàng khuyến mại

Nợ các TK 152, 153, 156, 211, giá trị hàng khuyến mại (theo giá hợp lý)

Nợ 1331 (nếu có) 

Có 111, 112, 331 

 

c). Nhận hàng khuyến mại cho khách hàng (chỉ là giữ hộ):

 

Khoản 1 Theo điều 29 của thông tư 200:

“Trường hợp doanh nghiệp có hoạt động thương mại được nhận hàng hóa từ nhà sản xuất, nhà phân phối với mục đích quảng cáo, khuyến mại cho khách hàng mua hàng của nhà sản xuất, nhà phân phối:

Khi nhận hàng từ nhà sản xuất (không phải trả tiền) dùng để khuyến mại, quảng cáo cho khách hàng, nhà phân phối cần theo dõi chi tiết, cụ thể số lượng hàng trong hệ thống quản trị nội bộ của mình và thuyết minh trên Bản thuyết minh Báo cáo tài chính đối với hàng nhận được cũng như số hàng đã dùng  để khuyến mại cho người mua (như hàng hóa nhận giữ hộ).”

 

Khi hết chương trình khuyến mại, nếu không phải trả lại nhà sản xuất số hàng khuyến mại chưa được sử dụng hết, kế toán ghi nhận thu nhập khác là giá trị số khuyến mại không phải trả lại, ghi: 

Nợ TK 156- Hàng hóa (theo giá trị hợp lý)

Có TK 711- Thu nhập khác.

 

TRƯỜNG HỢP 2: ĐỐI VỚI SẢN PHẨM, HÀNG HÓA, DỊCH VỤ DÙNG ĐỂ KHUYẾN MẠI KHÔNG ĐÚNG THEO QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT VỀ THƯƠNG MẠI:

 

1. Về thuế GTGT:

 

Theo khoản 7 Điều 3 Thông tư 26/2015/TT-BTC:

“5. Đối với sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại theo quy định của pháp luật về thương mại, giá tính thuế được xác định bằng không (0); trường hợp hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại nhưng không thực hiện theo quy định của pháp luật về thương mại thì phải kê khai, tính nộp thuế như hàng hóa, dịch vụ dùng để tiêu dùng nội bộ, biếu, tặng, cho.”

 

=> Thuế GTGT đầu ra đc ghi nhận như xuất hàng cho biếu tặng (Xuất hóa đơn có giá tính thuế và tiền thuế giống trường hợp cho biếu tặng)

 

2. Về doanh thu:

 

Tương tự Trương hợp 1: tổ chức khuyến mại đúng theo quy định của pháp luật về thương mại

 

3. Về chi phí giá trị hàng khuyến mại khi tính thuế TNDN:  

 

Tương tự trường hợp 1: tổ chức khuyến mại đúng theo quy định của pháp luật về thương mại

 

4. Về chi phí thuế GTGT đầu ra doanh nghiệp nộp thay cho bên nhận khuyến mại:

 

 Tương tự trường hợp 1: tổ chức khuyến mại đúng theo quy định của pháp luật về thương mại

 

5. Về hạch toán:

 

ĐỐI VỚI BÊN XUẤT HÀNG KHUYẾN MẠI:

 

a). Xuất hàng khuyến mại không có điều kiện:

 

- Khi xuất hàng khuyến mại kế toán ghi nhận:

Nợ TK 641/6421 – Chi phí bán hàng

Có TK 155, 156

Có TK 3331 – Thuế GTGT phải nộp

 

b). Xuất hàng khuyến mại có điều kiện:

 

- Khi xuất hàng khuyến mại, kế toán ghi nhận giá trị hàng khuyến mại vào giá vốn sản phẩm, ghi:

Nợ TK 632 – Giá vốn hàng bán

Nợ TK 641/6421  (Thuế GTGT của hàng hóa, dịch vụ khuyến mại)

Có TK 155, 156

Có TK 3331 – Thuế GTGT phải nộp của hàng hóa, dịch vụ khuyến mại

 

- Ghi nhận doanh thu của hàng khuyến mại trên cơ sở phân bổ số tiền thu được cho cả sản phẩm được bán và sản phẩm khuyến mại, quảng cáo, ghi:

Nợ các TK 111, 112, 131,..

Có TK 511 – Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ

Có TK 3331 – Thuế GTGT phải nộp (33311) (nếu có).

 

ĐỐI VỚI BÊN NHẬN HÀNG KHUYẾN MẠI:

 

Tương tự trường hợp 1: tổ chức khuyến mại đúng theo quy định của pháp luật về thương mại.

 

------------------------------------------------------------------

 - Đại lý thuế ATT chuyên:

  • ​Dịch vụ kế toán thuế.
  • Cung cấp Hóa đơn điện tử, Chữ ký số.
  • Dịch vụ thành lập doanh nghiệp, hộ kinh doanh, thay đổi thông tin DN, tạm ngừng kinh doanh, giải thể DN

​- Hotline tư vấn: 0905.654.656: Ms Trang - 0935.069.669: Ms Toan

- Trụ sở chính: Tầng 4, 168 Lý Thái Tông,  Phường Hòa Minh, Quận Liên Chiểu, Thành phố Đà Nẵng, Việt Nam.

- Website: https://www.ketoanatt.com/

 

 

Danh mục bài viết

Thống kê truy cập

Đang trực tuyến: 2
Hôm nay: 51
Hotline tư vấn:
0905.654.656